Đền thờ họ Mạc đầu tiên được xây dựng từ năm 1818 do Trấn thủ Mạc Công Du, cháu 4 đời của Mạc Cửu xây cất đơn sơ bằng gỗ lợp lá, ban đầu được gọi là Trung Nghĩa Từ, địa chỉ Trung Nghĩa Từ lúc bấy giờ là cạnh chùa Tam Bảo ngày nay.
Sau đó, Trung Nghĩa Từ được ông Doãn Uẩn, một danh thần triều Nguyễn xin phép vua Thiệu Trị di dời về chân núi Bình San năm 1846. Theo thời gian, Đền thờ bị xuống cấp trầm trọng, mới được ông Nguyễn Thần Hiến, một trong những nhà cách mạng đầu tiên của phong trào Đông Du tại miền Nam, vận động nhân dân Hà Tiên trùng tu và kiến trúc được giữ nguyên đến hôm nay.
Đền thờ là nơi đặt bài vị các công thần họ Mạc, các vị phu nhân và các tướng sĩ có công trạng theo phò tá họ Mạc.
Lăng Mạc Cửu
Theo sử liệu, Mạc Cửu (1655-1735) là người gốc Trung Quốc, vì thời cuộc nên đã đưa gia đình đến Việt Nam rồi xuôi về phương Nam lập nghiệp. Năm 1680 ông đến xứ Hà Tiên và nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế nên đã dừng chân tại nơi này. Nhờ có tài kinh doanh và khả năng lãnh đạo, ông đã từng bước gầy dựng cơ sở và thu hút người dân gần xa theo về đây lập nghiệp.
Nhận thấy Nhà Nguyễn khi đó đang thực hiện công cuộc mở mang lãnh thổ về phương Nam nên Mạc Cửu đã chủ động dâng vùng đất này cho Nhà Nguyễn vào năm 1708. Nhờ vậy, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu phong ông làm “Tổng trấn Hà Tiên” và tiếp tục để ông quyền quản lý vùng đất này, duy trì tục lệ cha truyền con nối sau này. Trải qua 7 đời dòng họ Mạc nắm quyền cai quản đã biến xứ Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm giao thương sầm uất trong khu vực.
Sau khi Mạc Cửu mất, người con trai trưởng là Mạc Thiên Tích xây dựng lăng mộ dưới chân núi Bình San trong thời gian 4 năm (1735 - 1739), là nơi an táng Mạc Cửu và những người thân tộc của dòng họ Mạc sau này.
Ảnh: Toàn cảnh quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bình San, nằm cạnh chân núi là lăng Mặc Cửu,
phía trước lăng là hồ sen rộng lớn tạo cảnh núi non thanh bình.
Ảnh: Lăng Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian, với cổng tam quan phía trước,
vào trong là tiểu đình rồi đến khu đền thờ chính.
Ảnh: Khu đền thờ chính có mái ngói lợp âm – dương mang kiến trúc xưa rất bền theo năm tháng.
Ảnh: Mái lăng nhuốm màu cổ kính theo thời gian.
Ngày nay, di tích lăng Mạc Cửu thuộc quần thể Khu di tích lịch sử - văn hoá núi Bình San, được công nhận là khu danh thắng Quốc gia từ năm 1989.Khu di tích lăng Mạc Cửu được chia thành hai phần, phần đền thờ dòng họ Mạc và phần lăng mộ. Khu di tích ngoài việc mang giá trị lịch sử thì còn là một công trình mang giá trị nghệ thuật cao bởi cách xây dựng trang trí hài hoà, độc đáo.Trong đó, khu đền thờ họ Mạc được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian, với cổng tam quan phía trước, vào trong là tiểu đình rồi đến khu đền thờ chính. Khu đền thờ được đựng từ các loại gỗ quý, mái lợp ngói, cùng khoảng khuôn viên rộng trồng nhiều cây xanh, mang lại một không gian yên tĩnh, trầm mặc. Trong đền thờ chính thờ ông Mạc Cửu thì phía bên phải thờ các quan văn, quan võ, bên trái thờ các phu nhân dòng họ Mạc. Tại đền thờ chính có biển thờ lớn với bốn chữ “Khai trấn trụ quốc” ghi nhận công đức của dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi. Nơi đây còn lưu giữ nhiều câu đối, sắc phong của nhà Nguyễn phong tặng.
Ảnh: Tượng thờ Mạc Cửu - “Tổng trấn Hà Tiên” ngay chính điện.
Ảnh: Nơi đây còn lưu giữ nhiều câu đối, sắc phong của nhà Nguyễn phong tặng.
Ảnh: Những bài vị ghi danh gia tộc dòng họ Mạc gắn bó với vùng đất này.
Ảnh: Rất đông khách thập phương đến viếng lăng và tháp nhang tưởng nhớ công ơn ông đối với vùng đất này.
Phần lăng mộ nằm trên núi Bình San, từ khu đền thờ đi lên theo con đường bậc thang lát đá xuyên qua khu rừng cây. Mộ ông Mạc Cửu có vị trí cao nhất trong khu lăng mộ, được xây theo tín ngưỡng phong thủy xưa với hình bán nguyệt, lưng tựa vào núi mặt hướng ra biển, hai bên có tạc tượng hai vị tướng bằng đá to đứng canh giữ.Ngoài phần mộ của ông Mạc Cửu thì khu lăng mộ này có hơn 60 ngôi mộ cổ được chia làm bốn khu: Lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, Lăng mộ các phu nhân, Lăng mộ các quan và Lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc.Kế bên Khu di tích lăng Mạc Cửu còn có Tao đàn Chiêu Anh Các, được xây dựng từ năm 1736 sau đó được xây dựng lại thành Nhà lưu niệm vào năm 2019 trên diện tích khoảng 14.000m2. Đây là nơi trưng này các hình ảnh, hiện vật quý ở địa phương, và là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của giới văn nghệ sĩ, nơi đón tiếp du khách đến tham quan, khám phá quần thể khu di tích.
Cho đến ngày nay, Khu di tích lăng Mạc Cửu là một không gian rất thiêng liêng, được người dân bản địa trân trọng, du khách thường xuyên đến thăm viếng, cúng bái nhằm tri ân những người đã có công với vùng đất này./.
Ảnh: Khu lăng mộ dòng họ Mạc có tổng cộng 60 ngôi mộ chia làm 4 khu, bao gồm tất cả các thành viên, tướng lĩnh trong dòng họ Mạc.
Ảnh: Ao sen phía trước cổng lăng.