Tin tức - Sự kiện
NHÀ LƯU NIỆM ĐÔNG HỒ - GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐẤT HÀ TIÊN THEO DÒNG LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN
[ Cập nhật vào ngày 13/05/2021 ] - [ Số lần xem: 1760 ]

Nhà lưu niệm Đông Hồ có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của vùng đất Hà Tiên, là địa chỉ đầy tự hào của người dân Hà Tiên bởi đây không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết mà từng là nơi nhà thơ Đông Hồ sáng lập “Trí Đức học xá” để truyền dạy chữ quốc ngữ – và được xem là trường tư thục đầu tiên dạy chữ quốc ngữ của tỉnh Kiên Giang. Và cũng tại nơi đây, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ Nguyễn Bính, nguyên Trưởng ty Thông tin và Tuyên truyền tỉnh Rạch Giá đã sinh sống và hoạt động cách mạng.


Ngày 28/04/2021, UBND thành phố Hà Tiên đã tổ chức Lễ bàn giao Nhà Lưu niệm Đông Hồ (còn gọi là Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường). Nhà lưu niệm Đông Hồ có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của vùng đất Hà Tiên, là địa chỉ đầy tự hào của người dân Hà Tiên bởi đây không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết mà từng là nơi nhà thơ Đông Hồ sáng lập “Trí Đức học xá” để truyền dạy chữ quốc ngữ – và được xem là trường tư thục đầu tiên dạy chữ quốc ngữ của tỉnh Kiên Giang. Và cũng tại nơi đây, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ Nguyễn Bính, nguyên Trưởng ty Thông tin và Tuyên truyền tỉnh Rạch Giá đã sinh sống và hoạt động cách mạng. Nhà Lưu niệm Đông Hồ có diện tích 268m2, là nơi trưng bày và lưu trữ 1.144 quyển sách; 446 bức tranh, ảnh; 937 tờ báo, tạp chí và 1.485 quyển sách có giá trị của nhiều tác giả được lưu giữ. Đặc biệt, trong đó có 231 quyển sách tiếng Pháp và những kỷ vật trong sinh hoạt đời thường của thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết lúc sinh thời.

z2485054098638_363490e11e0f05d4497468199954b019.jpg

Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết là hai người con ưu tú đã có công đóng góp to lớn cho nền văn học Hà Tiên vào thế kỷ 20.

Đông Hồ (tên thật là Lâm Tấn Phác (1906 – 1969)) sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên là nhà giáo, nhà văn hóa và nhà thơ danh tiếng thời cận đại của nền văn học Việt Nam.  Xuất thân là giáo học, ông chuyên nghiên cứu tiếng việt, nhiệt tình với văn hóa dân tộc. Năm 1926, ông lập nhà nghĩa học bên bờ sông Đông Hồ lấy tên là “Trí Đức học xá” ngay tại khu đất của gia đình, tự ông làm trưởng giáo, trường dạy toàn tiếng Việt với mục đích “dùng quốc văn để dạy con trẻ biết yêu nước nhà.

Nữ sĩ Mộng Tuyết (Thái Thị Sửu (1914 – 2007)) một người con của vùng đất Hà Tiên, một người học trò xuất sắc của thi sĩ Đông Hồ, một người bạn đời và cũng là người bạn thơ của thi sĩ. Ngòi bút của bà rất tinh tế và đa dạng. Bên cạnh thơ, bà còn viết ký, kịch, truyện ngắn, khảo cứu..., thơ của bà từng được Tự Lực Văn Đoàn tặng bằng khen.

Hai mươi lăm năm, sau ngày mất của Đông Hồ, nữ thi sĩ Mộng Tuyết trở lại Hà Tiên với mong muốn xây dựng Nhà Lưu niệm trên mảnh đất của gia đình để làm nơi lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản về thân thế và sự nghiệp của 2 Người. Năm 1994, bà làm đơn xin cấp lại khu đất và được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang. Nữ thi sĩ đã xây dựng và hoàn thành Nhà lưu niệm vào năm 1995 ngay chính trên khu đất “Trí Đức học xá” cũ.

z2485054094080_b1369a38abc0a6bcbdab2cab9c15d738.jpg

Sau khi nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết qua đời, Nhà lưu niệm được cô Nguyễn Thị Thanh Hoa – là cháu của nữ sĩ Mộng Tuyết là người thừa kế hợp pháp của ông - bà trông coi và quản lý bằng sự cần cù, cẩn trọng chăm chỉ của một nhà mô phạm; bằng tình yêu thương, kính trọng đối với nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết; bằng niềm tin, trách nhiệm và ước muốn lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa - lịch sử mà ông - bà để lại, trong suốt 14 năm, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa đã không những làm cho Nhà lưu niệm Đông Hồ trở thành địa chỉ văn hóa, mà còn góp phần làm sống lại những ký ức về nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết, làm cầu nối để những giá trị mà nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết đã tạo ra được vang xa hơn, rộng hơn. Nay do tuổi cao, sức yếu, cô Hoa có nguyện vọng trao gửi di sản của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết để Nhà nước quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không để mai một và mãi mãi được hậu thế biết đến. Đây không chỉ là hành động cao quý mà còn là nghĩa cử nhân văn của người con Hà Tiên. Điều này không những giúp cho những giá trị di sản của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết được lan toả ra cộng đồng mà còn là thông điệp tốt đẹp vì ý thức đóng góp cho xã hội những giá trị văn hóa - lịch sử của tiền nhân, để rồi những giá trị đó còn mãi dài lâu. Việc tiếp nhận Nhà lưu niệm Đông Hồ là chủ trương nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang với định hướng lưu giữ, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản của hai nhà thơ lớn của vùng đất Hà Tiên; đồng thời, từng bước phục dựng lại mô hình Trí Đức học xá năm xưa, mở rộng nơi trưng bày truyền thống lịch sử văn hóa, di sản văn học Hà Tiên, một điểm đến văn hóa có giá trị của Hà Tiên nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung và của cả nước. 

Cho đến hôm nay, Nhà Lưu niệm Đông Hồ vẫn là điểm đến tham quan, tìm hiểu “văn học Hà Tiên” của giới nghiên cứu và người hâm mộ trong, ngoài nước. Hiện nay, UBND thành phố Hà Tiên đang lập thủ tục đề nghị UBND Tỉnh Kiên Giang xếp hạng Nhà lưu niệm Đông Hồ là di tích cấp tỉnh. Hi vọng và tin tưởng rằng, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, các cấp các ngành có liên quan, việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhà văn, nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết được mở rộng ở một tầm cao hơn nữa, để nơi đây trở thành một điểm đến tham quan, tìm hiểu “văn học Hà Tiên”, một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.




Văn phòng Trung tâm

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

0
1
2