Tin tức - Sự kiện
Đôi dòng tản mạn về Tết Nguyên Đán
[ Cập nhật vào ngày 29/01/2018 ] - [ Số lần xem: 8607 ]

Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.


“Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng bên nhành đào tươi” mượn lời một bài hát thiếu nhi làm lời dẫn mở đầu cho một chút tản mạn về ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam.

Theo quy luật tự nhiên, một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa có những nét đặc trưng riêng nhưng có lẽ mùa xuân là mùa mang lại cho chúng ta và mọi sinh vật trên trái đất sức sống mãnh liệt nhất, là mùa cây trái đơm hoa khoe sắc, mùa khởi đầu cho một năm mới, một cái Tết an yên và sung túc, khởi đầu những nổ lực và phấn đấu đến những điều tốt đẹp cho cả năm.

Dân gian thường truyền nhau câu cửa miệng “vui như tết”, vậy Tết hay còn gọi là Tết Nguyên Đán có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào, nhân những ngày đầu xuân chúng ta hãy cùng tản mạn đôi dòng các bạn nhé.

Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Nguyên nghĩa của chữ "Tết" chính là "tiết". Hai chữ "Nguyên Đán" có gốc chữ Hán; "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên).

Do cách tính của Âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác. Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Người Việt Nam chúng ta quan niệm rằng Tết bắt đầu cho một năm mới, mọi thứ đều phải thật sớm và mới nên bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (là ngày Táo Quân - ngày cúng đưa Ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng ở thiên đình về tất cả những việc trong năm của gia chủ), sau khi cúng đưa ông Táo về trời thì mỗi gia đình đều phải trang hoàng, quét dọn, mua sắm, sửa sang lại tất cả mọi vật dụng trong nhà, mua sắm trang phục mới cho tất cả những thành viên trong nhà.

Đến ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp người Việt có tục gói bánh Chưng, bánh Dầy (Miền Bắc) và bánh Tét (Miền Nam), kho một nồi thịt kho hột vịt hoặc thịt kho măng khô; dưa giá, dưa kiệu, dưa hành, dưa cải muối ăn kèm. 

Chợ Tết có lẽ là phiên chợ nhộn nhịp nhất của năm, phiên chợ Tết bắt đầu từ 25 tháng Chạp được bày bán suốt ngày đêm và đa phần là các mặt hàng phục vụ tết như: các loại bánh mứt, hạt dưa, lá dong để gói bánh chưng, lá chuối để gói bánh tét, nếp, thịt heo, dưa kiệu, củ cải… cùng nhiều loại rau củ khác để làm kim chi, dưa muối; các loại hoa (nhiều nhất là hoa mai, hoa đào, huệ tây, lay ơn, cúc, vạn thọ…); dưa hấu, đu đủ, xoài, mãng cầu, dừa, thơm, quýt, sung… cùng rất nhiều các loại trái cây khác để chưng cúng trên bàn thờ ngày Tết. Trước đây, những người buôn bán sẽ nghỉ vào những ngày Tết vì vậy mà sức mua của mọi người tăng cao để sử dụng cho đến khi phiên chợ được họp lại, nhưng ngày nay do nhu cầu mưu sinh nên cũng có nhiều người vẫn bán suốt không nghỉ tết.

                                          banh.jpg

Nhắc đến Tết thì không thể không nghĩ đến hoa bởi mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, trong rất nhiều loại hoa khoe sắc ngày tết thì có hai loại hoa mang đặc trưng riêng của mỗi miền mà nhà nào cũng chuẩn bị để trưng trong nhà ngày tết đó là hoa Đào ở miền Bắc (do quan niệm của người Trung Quốc, hoa Đào có quyền lực trừ ma và mọi việc xấu, màu đỏ chứa sinh khí mạnh nên màu hoa đào đỏ thắm tượng trưng cho sự may mắn) và hoa Mai ở miền Nam (không chỉ là quan niệm từ cái tên mà hoa Mai mang lại mà màu vàng còn tượng trưng cho sự cao sang, vinh hiển, là màu tượng trưng cho vua chúa thời phong kiến, tượng trưng cho sự thịnh vượng phát triển nòi giống).

“Năm hết Tết đến” Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, dòng sông, bờ đê, bến nước… thế nên mới có câu :

“Dù ai buôn bán nơi đâu.

Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”

Tết cũng là ngày mời những người thân đã mất về thăm và đón Tết cùng với gia đình. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một  vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng, nhang, đèn, hoa tươi; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.

Bàn về mâm ngũ quả trưng trên bàn thờ gia tiên ngày Tết thì có sự khác biệt giữa Miền Nam và Miền Bắc. Mâm ngũ quả của người Miền Bắc có thể tùy ý lựa chọn thay thế trưng bày các loại trái cây như: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, cam, táo, ớt, mãng cầu, vải, nhãn… miễn sao trái cây tươi ngon, đẹp mắt và đa dạng màu sắc là được. Còn mâm ngũ quả của người Miền Nam gồm các loại trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Người miền Nam thường kiêng kỵ trưng trái cây có tên mang ý nghĩa xấu khi được đọc trại như chuối (chúi nhủi), cam (cam chịu), lê (lê lết), sầu riêng, Táo (bom), lựu (lựu đạn)… và không chọn trái có vị cay, đắng. Mỗi loại trái được chọn trong mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa khác nhau, ví dụ như: Chuối cao xanh (như bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che), Dừa (mong bình an, gia đình may mắn), Vải (vợ chồng hạnh phúc, gắn kết yêu thương), Bưởi (mong muốn an khang thịnh vượng), Thanh long (phát tài, phát lộc), Cam – Quýt (ngọt ngào, may mắn), Táo (phú quý, no đủ), Nhãn (mong con cái thông minh, thành tài), Hồng (hồng hào, tươi tốt tượng trưng cho sự thành đạt), Dưa hấu (căng tròn, mát lành hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn), Lêkima (như trái đào tiên, thể hiện sự may mắn, cầu mong tài lộc), Mãng Cầu (cầu chúc mọi điều như ý), Đu đủ (mang đến sự thịnh vượng, sung túc, đầy đủ), Phật thủ (giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che, cầu mong bình an cho gia đình), Đào (thể hiện sự thăng tiến), Dứa-Thơm-Khóm (mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng), Lựu (nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống), Xoài (cầu mong tiền bạc sung túc, tiêu xài không thiếu), Nho (mong sự thăng tiến, thành công trong công việc), Sung (gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc).

Không khí ngày trước Tết là rộn ràng, tất bật và vui nhất trong năm bởi nhà nhà đều bận rộn với việc “làm mới” từ việc dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế, tủ giường được lau chùi sạch sẻ. Người Việt Nam có tục kiêng quét nhà trong ngày tết vì cho rằng sẽ quét đi hết cả lộc trong năm của gia đình nên ngày cuối năm là phải cố gắng lau chùi, quét dọn cho tinh tươm.

Ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu), mỗi gia đình dù giàu sang hay nghèo khó đều phải làm một nâm cơm và do người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ là người đại diện đứng ra cúng rước ông bà, tổ tiên hay những người thân đã qua đời về nhà ăn Tết cùng gia đình và một nâm cơm để cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. "Về quê ăn Tết" cũng là câu nói quen thuộc của những người bôn ba xa xứ, xa nhà vào mỗi dịp cuối năm, mỗi khi tết đến được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ bên gia đình.

Bắt đầu từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút không ngừng hòa quyện với không khí thiêng liêng ấm áp trong lòng mỗi thành viên trong nhà làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa và mặc quần áo mới. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn... Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được bỏ qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp.      

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau. Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng. 

           Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, bởi ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Thời khắc quan trọng nhất để bắt đầu một năm mới là lúc giao thừa (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mồng một tháng giêng), đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào thời khắc này mỗi nhà đều có mâm cỗ (có thể là mâm cỗ chay hoặc mặn tùy vào hoàn cảnh gia đình của từng nhà) cúng bàn thờ gia tiên và cúng ngoài trời để bỏ đi những điềm xấu của năm cũ và cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới.

Ngày xưa, ngay thời khắc giao thừa và sáng mồng một tết nhà nhà đều đốt pháo dù ít hay nhiều dài hay ngắn để chào đón chúc mừng năm mới, nhưng kể từ sau Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nhằm giảm đi tính chất nguy hiểm dễ gây sát thương của pháo thì Việt Nam đã không còn tục lệ này nữa, thời gian đầu cũng làm giảm đi ít nhiều không khí rộn rã ngày tết do sự giòn tan, rộn rã của tiếng pháo mang lại nhưng theo thời gian thì mọi người cũng quen dần và thay vào đó Nhà nước cho tổ chức đốt pháo hoa và tùy mỗi nơi sẽ có quy mô đốt pháo hoa lớn, nhỏ khác nhau. Ngoài ra, đêm giao thừa hoặc trong 3 ngày Tết những nhà có điều kiện cũng thường mời đoàn Lân đến múa. Tết đến mà không có tiếng trống múa Lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi rộn ràng của ngày Tết. Những người múa Lân thường là các võ sinh được luyện tập lâu ngày, kinh qua cả những bài võ Lân dẻo dai, khéo léo. Múa Lân là một phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong những ngày lễ hội. Múa Lân được xem là loại hình văn nghệ dân gian với nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình và may mắn.

Sau khi cúng giao thừa cũng có người xuất hành đi chùa xin lộc đầu năm, cầu xin sự bình an và may mắn trong năm mới hoặc thường là sẽ đi chùa vào sáng mồng một sau khi đã chúc tết ông bà, cha mẹ và con cháu trong nhà.

Ba ngày đầu năm thì:                “Mồng một thì tết mẹ cha

Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy”

Sáng ngày mồng một Tết mọi người đều mặc quần áo mới để con cháu chúc tết mừng thọ ông bà, cha mẹ, lì xì lấy lộc may mắn đầu năm mong ông bà cha mẹ dồi giàu sức khỏe sống thọ cùng con cháu. Các em bé nhỏ cũng được ông bà cha mẹ lì xì mừng thêm tuổi mới hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi.

Tương truyền về tục tặng bao lì xì đỏ cũng khá là thú vị, ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho ba mẹ không dám ngủ phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một bé trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền biến thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực, khiến yêu quái khiếp vía bỏ chạy. Xưa còn có lệ cho tiền vào bao lì xì đỏ theo số lẻ ngụ ý tiền này sẽ phát triển sinh sôi nảy nở thêm nhiều hơn.

Sáng mồng một Tết hoặc sau thời khắc cúng đón giao thừa cũng là lúc mỗi gia đình chờ đón người xông đất đầu năm. Xông đất là tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày mồng một là ngày “khai trương” một năm mới, họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suông sẻ, may mắn thì cả năm cũng được tốt lành, thuận lợi. Tính từ ngay sau thời khắc giao thừa, bất kỳ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người họ hàng hay láng giềng có tính tình vui vẻ, hoạt bát, đạo đức, thành công và hợp tuổi với gia chủ để nhờ sang xông đất.

Mồng hai Tết là dịp để mọi người đi thăm bà con dòng họ gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng đến sự tốt lành trong tương lai. Tết cũng là dịp để mọi người đến thăm bạn bè, hàng xóm láng giềng… trao nhau những lời chúc tốt lành đầu năm mới.

Mồng ba Tết thầy, là dịp để chúng ta cùng nhau đến thăm những thầy cô giáo của mình gởi lời chúc sức khỏe thầy cô cùng kể lại cho nhau nghe những thành công và chia sẻ động viên nhau trước những điều không thuận lợi.

Đến chiều ngày mồng bốn hoặc mồng năm Tết mỗi nhà sẽ làm một mâm cơm cúng tiễn đưa ông bà, mồng bảy sẽ là ngày cúng hạ nêu.

Tết còn đi kèm với rất nhiều Lễ - Hội truyền thống da dạng phong phú tùy theo bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng - miền, mỗi địa phương khác nhau.

Với hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu tính nhân văn, tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của Việt Nam thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng với quá trình giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa và mở cửa nền kinh tế ra thế giới hiện nay cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Một số tập tục trong ngày Tết xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại đã dần bị loại bỏ. Ngày nay người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết đã đơn giản đi nhiều, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón tết và trong việc sắm tết.

            Ngoài ra, khi đời sống kinh tế được nâng cao, đi kèm với những hưởng thụ về giá trị văn hoá tinh thần và vật chất, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên và có thể đáp ứng ngay khi cần chứ không phải đợi đến Tết như ngày xưa. Hơn nữa, một năm có rất nhiều ngày lễ khác đã chi phối phần nào tầm quan trọng của những ngày nghỉ Tết cổ truyền, dường như Tết bây giờ có phần nhạt hơn so với Tết xưa. Ngày nay, cuộc sống quá bận rộn, ngoài quan niệm “ăn Tết” người ta còn quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết”, khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến hưởng thụ về mặt tinh thần để thư giãn sau một năm làm việc miệt mài, vất vả. Tết hiện đại mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi nhiều hơn, nhân dịp nghỉ Tết nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch cùng người thân hoặc cùng bạn bè, đồng nghiệp. Nếu có ở nhà ăn tết thì nhiều người cũng chọn đặt mua đồ đã được chế biến sẵn cho tiện lợi và đỡ phải mất nhiều thời gian nhưng lại làm mất đi không khí chuẩn bị vui tươi của ngày Tết. Giờ đây, hình ảnh những ngày cận Tết nhà nhà tất bật để chế biến những món ăn trong ngày Tết, hình ảnh các bà, các bác, các cô, các dì trong gia đình rủ nhau tập trung ngồi gói bánh Chưng, bánh Tét trò chuyện rôm rả, vang vọng tiếng cười như gần như xa rất vui vẻ ở mỗi nhà, trẻ con nô đùa chạy nhảy ríu rít xung quanh… rồi hình ảnh những bếp lửa dã chiến to được nhóm lên để luộc những nồi bánh to đùng, hình ảnh trẻ con trong nhà được cha mẹ cử ra canh củi lửa cũng tranh thủ lùi vào trong than bếp những củ khoai được nướng chín thơm lừng… những hình ảnh ấy ngọt ngào thân thuộc gợi nhớ một thời tuổi thơ bình yên đầy kỷ niệm còn đọng trong ký ức trong tâm hồn của mỗi con người… chợt trở nên hiếm thấy.

Tuy nhiên, ăn Tết đơn giản vẫn có cái hay riêng miễn sao chúng ta vẫn giữ được hồn quê Tết Việt, Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp mang đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là Tết cổ truyền  là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, vẫn là dịp để gia đình xum vầy đoàn viên, là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, dẹp bỏ những bộn bề, lo toan buồn phiền của năm cũ, dịp để mọi người thắt chặt tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm… khi dành thời gian đi thăm hỏi ngồi lại bên nhau hàn huyên ôn lại những gì đã qua và dự tính những việc sẽ làm trong năm mới, chúc nhau những câu chúc tốt lành, động viên chia sẻ an ủi với những điều không may đã qua và cùng nhau tin tưởng hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, hướng đến một năm mới “An khang thịnh vượng – Vạn sự như ý”./.




VĂN PHÒNG TRUNG TÂM - TỔNG HỢP

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

0
1
2