Ẩm thực
Mùa khoai lang Mỹ Đức - Hà Tiên
[ Cập nhật vào ngày 17/04/2020 ] - [ Số lần xem: 3182 ]

Nhắc đến khoai lang, tôi bỗng nhớ đến “cái thời cơm độn khoai lang. Áo không đủ ấm, chứa chan nghĩa tình” của tác giả Huỳnh Ngọc Anh Kiệt. Củ khoai là bạn đồng hành cùng người nông dân nghèo tay lấm chân bùn từ thời xa xưa cho đến nay, cứ mỗi sáng ra đồng sẽ mang theo ăn lót dạ vậy nên ông bà ta thường nhắc nhở con cháu “được mùa lúa thóc chớ phụ ngô khoai”.


Xứ biển quê tôi ở cuối trời Tây Nam tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, phong cảnh nên thơ hữu tình nên hầu như nghề mưu sinh chính của người dân vẫn là nghề hạ bạc và kinh doanh dịch vụ du lịch. Quê tôi có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống hòa thuận, đa phần thì người Hoa thường theo nghề kinh doanh buôn bán, người Kinh theo nghề hạ bạc và phần lớn người Khmer ở vùng ven thì theo nghề nông. Nghề nào cũng có cái được cái mất riêng, tuy nhiên ông bà ta thường ví von nghề nông là nghề mà quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Dù cũng là Miền Tây nhưng đất quê tôi không có nhiều phù sa bồi đắp như ở vùng đồng bằng nên cây trái của người nông dân trồng không đem lại năng suất cao mà chỉ ở mức đủ ăn và chủ yếu là trồng khoai lang và lúa nước, thường thì một năm người nông dân quê tôi sẽ trồng cứ 2 vụ lúa sẽ xen kẻ một vụ màu (dưa hấu, dưa leo, rau cải, khoai lang). Mùa mưa thì trồng lúa nước, mùa khô thì trồng khoai lang hoặc rau, dưa.

DSC00016.jpg

Nhắc đến khoai lang, tôi bỗng nhớ đến “cái thời cơm độn khoai lang. Áo không đủ ấm, chứa chan nghĩa tình” của tác giả Huỳnh Ngọc Anh Kiệt. Củ khoai là bạn đồng hành cùng người nông dân nghèo tay lấm chân bùn từ thời xa xưa cho đến nay, cứ mỗi sáng ra đồng sẽ mang theo ăn lót dạ vậy nên ông bà ta thường nhắc nhở con cháu “được mùa lúa thóc chớ phụ ngô khoai”.

Khoai lang có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thu hoạch lấy củ nhưng sử dụng được cả lá non và đọt, củ có hình dáng thuôn dài và thon, vỏ mỏng và nhẵn, thịt có màu trắng, tím, cam hoặc vàng. Đọt và lá thì chế biến bằng cách đem luộc hoặc xào tỏi; củ thì đem hấp, luộc, nướng, chiên… là giống cây tương đối dễ trồng được nhân giống bằng các đoạn thân.

Khoai lang có giá trị dinh dưỡng rất cao hơn cả khoai tây, củ có vị ngọt dù nhiều hay ít, chứa nhiều tinh bột, chất xơ tiêu hóa, vitamin A, vitamin C, vitamin B6, sắt, canxi, mangan, kali, giàu chất chống oxy hóa… dùng để ăn hàng ngày rất tốt cho sức khỏe, có rất nhiều công dụng hỗ trợ chữa được các bệnh như: Giúp đôi mắt khỏe mạnh, giảm chứng sưng - viêm, kiểm soát đường huyết, giúp làn da khỏe mạnh, bảo vệ tim, giúp xương chắc khỏe, chữa các chứng dị ứng, … Cần bảo quản khoai nơi thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo và chỉ nên dùng trong một tuần vì để lâu ngày khoai sẽ bị sùng.

20200312_092606.jpg

Khoai lang Mỹ Đức được người nông dân lên luống trồng trong đất tơi xốp thoáng, giống được lấy từ Campuchia người dân gọi là khoai nông nghiệp, là một trong những đặc sản địa phương của quê tôi bởi sự khác biệt từ củ khoai và mùi vị. Khoai lang Mỹ Đức củ không to lắm, không tươm mật, không có độ dẻo nhiều như khoai lang Nhật hay khoai lang mật Đà Lạt… Khoai Mỹ Đức quê tôi củ thon vừa hoặc nhỏ dài, thịt khoai trong, mềm, bùi, độ dẻo vừa phải nhưng khi ăn vào sẽ có vị thơm ngọt lại rất thanh dù là mới nhổ lên đem luộc ăn liền vẫn ngọt ngào như đã đem phơi qua đôi ba lần nắng như mẹo dân gian thường chỉ. Có lẽ củ khoai quê tôi ngọt cũng bởi một phần được tưới bằng những giọt mồ hôi đổ trên ruộng khoai nên đã phần nào giúp cho vị khoai quê tôi vụ nào có vị ngọt thanh đạm và đượm nồng tình nghĩa.

Khoai lang Mỹ Đức quê tôi thường được trồng vào cuối hoặc đầu năm khi những chiếc lá trên cành bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, khi đó thời tiết khô không có mưa thích hợp cho khoai phát triển tốt, thường sau khi trồng khoảng từ hơn hai đến ba tháng là có thể thu hoạch. Hôm nay, nhóm chúng tôi có dịp ghé thăm ruộng khoai đang mùa thu hoạch của một bác nông dân ở gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thuộc phường Mỹ Đức thành phố Hà Tiên. Cả nhà Bác đã ra đồng từ sáng sớm để đào khoai cho kịp mang ra buổi chợ, khoai quê tôi thường được người nông dân mang ra chợ tự sản tự tiêu của Hà Tiên để bán cho người dân điạ phương. Tuy nhiên, hơn một năm nay khoai lang Mỹ Đức còn được tuyển chọn những củ to đẹp loại một để đưa vào Co.op mart Hà Tiên bán. Nhóm chúng tôi - những người không chuyên về làm nông – nên khi nhìn thấy ruộng khoai đang mùa thu hoạch thì háo hức nhào xuống ruộng và phụ gia đình bác nông dân thu hoạch bằng cách dùng tay không nhổ từng chùm khoai to lên trong tiếng trầm trồ xuýt xoa không ngớt của nhóm. Chúng tôi tò mò hỏi bác sao không dùng tay nhổ lên cho đỡ phải mất sức và mệt vì đứng cuốc thì bác dừng tay, ngẩn khuôn mặt hiền từ còn rịn từng giọt mồ hôi trên trán, cười và nói với chúng tôi: Do lúc trồng khoai phải lên luống nên giờ cuốc để vừa thu hoạch khoai kỹ hơn, không bỏ sót vừa giúp cho ruộng đất bằng phẳng lại để chuẩn bị cho vụ mùa lúa nước tiếp theo. Sau khi thu hoạch khoai, những đứa trẻ trong xóm sẽ chạy ra đồng “mót” những củ khoai quá nhỏ mà chủ ruộng không lấy mang về ăn. Nhìn lũ trẻ làm tôi nhớ lại mình của ngày xưa cũng từng vô tư cùng lũ bạn trẻ con trong xóm chơi đùa trên những cánh đồng khô đã qua mùa thu hoạch. Tuy khoai lang Mỹ Đức rất ngon, ngọt và dẻo nhưng giá lại rất bình dân trung bình chỉ khoảng từ 10.000 đến 15.000 đồng/ ký. Hiện nay, khoai lang Mỹ Đức đã được chính quyền địa phương quan tâm nâng cao giá trị thương mại. Cụ thể, phòng kinh tế thành phố đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nông hộ về đăng ký nhãn hiệu tập thể cho vùng sản xuất khoai lang Mỹ Đức. Tùy vào thời tiết, khoai có được mùa hay không mà củ khoai sẽ to hoặc nhỏ và cho ra sản lượng khoảng từ một đến hai tấn/vụ. Bác Lô - chủ của ruộng khoai nói giọng trầm trầm lơ lớ: “Năm nay sản lượng thu được không cao lắm củ khoai không được to và đều do tiết trời hơi khô, thiếu nước không bằng vụ trước lại rất được mùa”. Nhưng khi chúng tôi được chủ ruộng luộc và mời dùng thử thì lại nhận ra là khoai tuy củ không to nhưng thịt lại rất thơm ngon và vị ngọt rất đậm đà. Nhìn từng luống khoai xanh mướt tôi bỗng nhớ ai đó từng ví von “khoai lang trổ ngọn hồng hồng. Bởi thương tình nghĩa xuôi dòng đến đây” hay “Gió lên rồi căng buồm cho sướng. Gác chèo lên ta nướng ngô khoai” và nhận ra rằng dù mọi việc có khó khăn nhưng trong lòng mỗi người nông dân đều giữ một tâm thái bình thản và tin tưởng vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

DSC00026.jpg

Ra về sau khi đã thỏa sự tò mò và được thưởng thức mẻ khoai ngon lành, chúng tôi vẫn còn vương vấn hương vị thơm ngọt của khoai lang Mỹ Đức được bác Lô trồng nên mỗi người đều mua ủng hộ bác một bịch to khệ nệ khiêng về trong tiếng cười giòn tan./.

 



Mùa khoai lang Mỹ Đức



Văn phòng Trung tâm

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

0
1
2